Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Trận_Lenino

Kết quả

Thương vong của quân đội Ba Lan trong trận này là khoảng 3.000 người, trong đó có 510 chết (bao gồm 51 sĩ quan chỉ huy), 1.776 người bị thương, 652 mất tích và 116 người bị bắt[3][16]. Tổng thương vong là 27% quân số. Thương vong của lực lượng không quân Normandie-Niemen là 2 phi công tử nạn[17].

Phía Đức cũng thiệt hại nặng với 1.500 thương vong, 326 người bị bắt, 42 đại bác và súng cối, 2 xe tăng, 5 máy bay.

Liên quân Liên Xô-Ba Lan dù thiệt hại lớn nhưng vẫn giữ được đầu cầu Lenino, sau này trở thành bàn đạp để tấn công Orsha trong Chiến dịch Bagration

Đánh giá

Ý đồ tấn công chiếm cứ bàn đạp Lenino của Phương diện quân Tây là hợp lý về mặt quân sự nhưng thời điểm thực hiện chiến dịch lại không thích hợp. Sau Chiến dịch Smolensk kéo dài gần 2 tháng, quân đội Liên Xô trên mặt trận hướng Tây đã khá mệt mỏi. Cả hai sư đoàn Liên Xô cùng tham chiến tại Lenino với Sư đoàn bộ binh Ba Lan 1 có tổng quân số gộp lại chỉ còn 9.126 người, bằng 2/3 quân số của Sư đoàn bộ binh Ba Lan 1. Quân Ba Lan tuy có dũng khí và tinh thần cao nhưng lại thiếu kinh nghiệm tác chiến. Các hoạt động trinh sát chuẩn bị cho trận đánh của họ không giữ được tính bí mật, làm lộ mục tiêu và không đạt được hiệu quả cao. Ngoài nguyên nhân vè thời tiết thì chính những hành động trinh sát vụng về của các quân nhân Ba Lan cũng góp phần làm cho ý đồ tấn công của họ sớm bị bộc lộ.

Thương vong lớn của cả quân đội Liên Xô và quân đội Ba Lan còn do cách chỉ huy theo kiểu "cố đấm ăn xôi" của tướng V. N. Gordov. Khi đã biết rõ những tổn thất trong ngày 12 tháng 10, khi biết rằng đã dùng đến những lực lượng dự bị cuối cùng mà vẫn không chọc thủng dược tuyến phòng thủ của quân Đức ở điểm cao 217,6 thì đó là lúc cần dừng cuộc tấn công để chuẩn bị lại. Tuy nhiên, V. N. Gordov đã không làm như vậy.

Quân Đức với binh lực và trang bị yếu hơn trên tuyến đầu nhưng lại có lực lượng dự bị mạnh ở phía sau đã tổ chức phòng ngự có chiều sâu. Các lô cốt, hỏa điểm, chiến hào được bố trí chu đáo nên sau khi bị thất lợi trong cuộc tấn công sáng ngày 12 tháng 10 đã ổn định được tình hình và tổ chức các trận phản kích có hiệu quả. Tướng Robert Martinek đã đánh giá đúng vai trò của điểm cao 217,6 trên địa đoạn mặt trận. Điểm cao này có thế bao quát toàn vùng và pháo binh Đức bố trí ở đây có thể đặt cả thị trấn Lenino dưới hỏa lực bắn thẳng. Quân Dức bố trí tại điểm cao này sẽ còn gây nhiều khó khăn cho Tập đoàn quân 33 (Liên Xô) nhiều tháng về sau. Cuối cùng, phải đến tháng 6 năm 1944 quân đội Liên Xô dùng hỏa lực Katyusha tập trung ở mật độ cao mới khắc phục được điểm cao quan trọng này.

Ảnh hưởng

Về chính trị, trận Lenino có vai trò tích cực đối với phía Liên Xô và lực lượng vũ trang Ba Lan tại mặt trận Xô-Đức. Trận thử lửa đầu tiên của quân đội Ba Lan đã được phía Liên Xô khéo léo tận dụng để củng cố và nâng cao hình ảnh của lực lượng này và góp phần quan trọng cho sự hình thành và phát triển của Liên minh những người ái quốc Ba Lan (Związek Patriotów Polskich)[18], một tổ chức được Liên Xô ủng hộ và có tác dụng đáng kể trong việc hạn chế ảnh hưởng của chính quyền tư sản lưu vong Ba Lan ở Luân Đôn. Tại Hội nghị Tehran năm 1943, các nước phương Tây đã được phía Liên Xô cho thấy hình ảnh của một quân đội Ba Lan độc lập, có đủ sức mạnh để tham gia chiến đấu chống lại quân phát xít và giải phóng Tổ quốc của mình. Xét theo phương diện này, trận Lenino là một thành công thực sự cho phía Liên Xô.[19] Trong các tư liệu lịch sử của Liên Xô và Ba Lan trước kia, ý nghĩa của trận Lenino được đánh giá cao[20] và xem như là một cột mốc quan trọng trong lịch sử quân đội Ba Lan cũng như trong mối quan hệ hữu nghị Liên Xô-Ba Lan.[21][22]

Theo Jakub Zyska, ý nghĩa về mặt chính trị của trận đánh này cũng là sự ra đời và củng cố của hình ảnh về tình hữu nghị và tương trợ giữa hai quốc gia Liên Xô và Ba Lan.[7] Từ sau trận đó, sư đoàn Ba Lan số 1 đã phát triển thành quân đoàn Ba Lan số 1 và cuối cùng là Tập đoàn quân Ba Lan số 1, đơn vị tham chiến bên cạnh quân đội Liên Xô trong trận Berlin [23][24].

Sau chiến tranh, ngày 12 tháng 10 được chọn làm ngày truyền thống của Quân đội Nhân dân Ba Lan.[25] Sau khi khối XHCN ở Đông Âu sụp đổ, Quân đội Ba Lan lấy ngày kỷ niệm Trận Warshawa năm 1920 làm ngày truyền thống của mình.

Tuy nhiên do thiệt hại lớn của quân đội Ba Lan, một số ý kiến đã chỉ trích nặng nề về kết quả và mục đích của trận Lenino, buộc tội quân đội Liên Xô dùng người Ba Lan làm "bia đỡ đạn" hay thậm chí có những ý kiến cực đoan còn nghi ngờ quân đội Liên Xô mượn tay người Đức giết bớt người Ba Lan.[26][27][28]

Sau trận xuất quân của Lữ đoàn độc lập Tiệp Khắc 1 tại Trận Sokolovo, đây là lần thứ hai, một đơn vị quân đội nước ngoài được thành lập và huấn luyện tại Liên Xô đã tham chiến trên mặt trận Xô-Đức. Những đội quân đó không thiếu tinh thần chiến đấu để giải phóng tổ quốc của họ. Tuy nhiên, trường hợp của Quân đội Ba Lan có nhiều điểm khác với Quân đội Tiệp Khắc. Trước khi Sư đoàn bộ binh Ba Lan 1 được thành lập, quân đội Liên Xô cũng giúp người Ba Lan thành lập Quân đoàn bộ binh Ba Lan do tướng Władysław Anders chỉ huy ngay trên lãnh thổ Liên Xô vào năm 1942. Tuy nhiên, do bất đồng quan điểm và sự lần lữa của tướng Anders, Quân đoàn bộ binh Ba Lan đã không tham chiến trên mặt trận Xô Đức. Cuối năm 1942, theo đề nghị của Anders, quân đoàn này được chuyển giao cho người Anh và sơ tán sang Iran. Quân đoàn của Anders gần như tan rã. Một bộ phận ở lại Liên Xô và trở thành những hạt nhân nòng cốt của Sư đoàn bộ binh Ba Lan 1. Một số khác sau khi sang Anh đã thành lập Lực lượng vũ trang Ba Lan tại phía Tây (Polskie Siły Zbrojne na Zachodzie) ở Luân Đôn và đã tham chiến bên cạnh quân đồng minh Anh - Mỹ ở mặt trận phía Tây từ tháng 6 năm 1944. Cũng trong năm 1944, một tổ chức của những người Ba Lan yêu nước (Rada Krajowa) cũng thành lập Quân đội nhân dân gồm các đội du kích hoạt động trong nước. Vì vậy, từ năm 1944 đến cuối chiến tranh, có đến ba tổ chức quân sự của người Ba Lan tham gia chiến đấu bên cạnh quân đội các nước đồng minh chống phát xít. Tuy nhiên, với 2 tập đoàn quân vào cuối cuộc chiến, Quân đội Nhân dân Ba Lan vẫn là lực lượng đóng vai trò chủ chốt bên cạnh quân đội Liên Xô trong việc giải phóng Ba Lan khỏi ách phát xít Đức.[29]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Lenino //www.amazon.com/dp/B00325JH7W http://www.militis.pl/1939-1945/bitwa-pod-lenino-1... http://tygodnik.onet.pl/35,0,15819,3,artykul.html http://www.ww2.pl/%D0%9F%D0%BE%D0%BB%D1%8C%D1%81%D... http://militera.lib.ru/h/lukashin/06.html http://militera.lib.ru/memo/french/geoffre/02.html http://militera.lib.ru/memo/russian/polynin/18.htm... http://militera.lib.ru/memo/russian/poplavsky_sg/0... http://militera.lib.ru/memo/russian/radzivanovich_... http://clubs.ya.ru/polska/posts.xml?tag=14934798